Giải pháp tối ưu nâng cao hiệu quả, an toàn trong sửa chữa tại thủy điện Nho Quế
Trước những hạn chế trong công tác sửa chữa còn tồn tại ở hệ thống các nhà máy thuộc Bitexco Power, ông Ngô Minh Sơn – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Điện Nho Quế đã chia sẻ một số giải pháp tối ưu nâng cao hiệu quả an toàn trong công tác sửa chữa tại Nho Quế.
Ông Ngô Minh Sơn – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Điện Nho Quế cho biết, hiện nay công tác sửa chữa tại nhà máy thủy điện vẫn còn nhiều hạn chế như: Thời gian sửa chữa chưa tối ưu, trình độ tay nghề sửa chữa không đồng đều, sự phối hợp giữa các đơn vị, phòng ban chưa cao và chưa đồng bộ.
Cùng với đó, thiếu hụt vật tư, công dụng cụ, máy móc chuyên dùng còn thiếu, chưa đánh giá được đầy đủ các tình huống phát sinh và những rủi ro… để công tác vận hành xuyên suốt.

Chia sẻ về các giải pháp tối ưu nâng cao hiệu quả, an toàn trong công tác sửa chữa, ông Sơn nhấn mạnh đến việc cần thực hiện nghiêm ngặt các quy trình an toàn, đánh giá và phòng ngừa các rủi ro, kiểm tra an toàn trước khi sửa chữa. Quản lý bảo trì dự đoán thông qua việc dùng công nghệ để dự đoán lỗi và lập kế hoạch bảo trì chủ động. Bảo trì dựa trên tình trạng, chỉ thực hiện bảo trì khi thiết bị có dấu hiệu xuống cấp, thay vì theo lịch trình cố định giúp tối ưu hóa chi phí và thời gian bảo trì.
Quản lý vật tư dự phòng hiệu quả bằng cách theo dõi toàn bộ vòng đời của thiết bị, từ mua sắm, vận hành đến bảo trì và thay thế. Đảm bảo vật tư dự phòng luôn sẵn sàng, đúng loại, đủ số lượng, giảm thời gian chờ vật tư.

Ông Ngô Minh Sơn cho rằng, việc đảm bảo an toàn và tin cậy trong công tác sửa chữa thiết bị nhà máy thủy điện đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa con người, thiết bị, quy trình và công nghệ. Cùng việc cải tiến quy trình sửa sữa, rút ngắn thời gian sửa chữa, giảm thiểu gián đoạn sản xuất cũng như nâng cấp cải tiến công dụng sửa chữa, giảm việc thiếu hụt vật tư thì việc nâng cao kỹ năng cho đội ngũ sửa chữa về an toàn và kỹ thuật cũng cần được đẩy mạnh. Khi đó sẽ có thể tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, đảm bảo an toàn và duy trì sự ổn định lâu dài cho nhà máy thủy điện.
Ngày nay với sự phát triển của công nghệ ngày càng cao, đòi hỏi các nhà máy phải luôn cập nhật kiến thức và ứng dụng công nghệ vào trong công tác sửa chữa, bảo trì. Trong thời gian tới, để công tác sửa chữa được triển khai tốt hơn cần thực hiện tăng cường kiểm tra đánh giá khả năng vận hành của các tổ máy phát điện; tổ chức nhân sự phù hợp và đào tạo nâng cao năng lực; thành lập đội chuyên trách cho các công việc sửa chữa thiết bị quan trọng.
“Ngoài ra, các nhà máy nên chú ý đến việc xây dựng các phiếu kiểm tra đánh giá độ tin cậy của thiết bị, xây dựng tạo các cơ sở dữ liệu cho công tác bảo dưỡng và sửa chữa. Đồng thời, quản lý vật tư dự phòng và thiết bị thay thế đúng, đủ. Sau mỗi đợt sửa chữa nên có các buổi họp kỹ thuật để chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà máy trong cùng hệ thống, có các bản tin kỹ thuật định kỳ để phổ biến các vấn đề đã xử lý và các biện pháp tối ưu trong quá trình sửa chữa”, ông Sơn bày tỏ.

Tin liên quan
Các nhà máy thủy điện hoàn thành công tác sửa chữa trước mùa mưa lũ năm 2024
Thủy điện Sông Lô 4 hoàn thành công tác đại tu tổ máy H1 trước thời hạn