Lợi thế lớn của Bitexco Power trong cuộc đua giảm phát thải khí nhà kính
Trong bối cảnh các tổ chức, doanh nghiệp toàn cầu đặc biệt quan tâm tới tiến trình giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu Net Zero, Bitexco Power có nhiều lợi thế khi sở hữu 12 triệu tín chỉ, góp phần giúp Việt Nam hiện thực hóa các cam kết COP28.
Sàn giao dịch tín chỉ Carbon là gì?
Sàn giao dịch tín chỉ Carbon là một cơ chế thị trường cho phép các chủ thể phát thải khí nhà kính trao đổi tín chỉ Carbon với nhau. Tín chỉ carbon là một loại chứng chỉ đại diện cho việc giảm phát thải khí nhà kính được xác nhận bởi một bên thứ ba độc lập.
Thị trường Carbon được tạo ra bởi các chính sách về khí hậu hoặc mục tiêu khí hậu của một hay nhiều quốc gia/tổ chức bằng hoạt động giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính hoặc tín chỉ carbon (chuyển quyền phát thải). Một cách khác dễ hiểu hơn, đây là một loại hình thị trường mà loại hàng hóa này được trao đổi, mua bán thông qua lượng khí nhà kính được giảm (phát thải hoặc hấp thụ) trong quá trình hoạt động giữa bên mua và bên bán.
Sau Nghị định thư Kyoto 1997, thị trường Carbon đã phát triển mạnh tại các quốc gia châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á. Có hai loại thị trường chính là:
• Thị trường Carbon bắt buộc (Mandatory Carbon Market) là thị trường mà quốc gia, tổ chức hoặc doanh nghiệp theo luật sẽ phải kiểm kê và giảm lượng phát thải khí nhà kính và có quyền tham gia các hoạt động trao đổi, buôn bán, chuyển giao hạn ngạch phát thải khí nhà kính cũng như tín chỉ Carbon. Việc giảm phát thải sẽ phải tuân thủ theo các quy định bắt buộc của quốc gia, khu vực hoặc quốc tế.
• Thị trường Carbon tự nguyện (Voluntary Carbon Market) hình thành trên nhu cầu tiêu dùng khác nhau của các công ty, tổ chức nằm ngoài quy định giảm phát thải của nhà nước, nó cho phép các công ty và cá nhân muốn bù đắp trực tiếp lượng phát thải khí nhà kính của họ mà không cần ràng buộc pháp lý giữa các quốc gia.
Tác động toàn cầu đối với việc hình thành thị trường Carbon tại Việt Nam
Hiện nay đối với các thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp định Thương mại tự do được ký kết (FTA thế hệ mới) cùng với đó là các hàng rào thuế quan vào các thị trường lớn (châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn… ) được xóa bỏ. Nhưng kèm theo đó là các quy định nghiêm ngặt về việc giảm phát thải carbon đối với các hàng hóa nhập khẩu. Điển hình nhất là, quy định Cơ chế điều chỉnh thuế Carbon xuyên biên giới (Carbon Border Adjustment Mechanism – CBAM).
Từ tháng 10/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành cơ chế CBAM nhằm bảo đảm sự công bằng trong cạnh tranh thương mại quốc tế và thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, kiểm soát lượng khí nhà kính được thải ra từ hàng hóa nhập khẩu vào EU. CBAM đặt ra một giới hạn về lượng Carbon mà các sản phẩm phải tuân thủ để được phép nhập khẩu vào EU.
Điều này tạo ra áp lực đối với các doanh nghiệp ngoại vi khu vực EU trong ngắn hạn và quy mô toàn cầu trong dài hạn; nhằm giảm khí nhà kính trong quá trình sản xuất, hoặc phải trả thuế Carbon cho các sản phẩm của họ. Theo đó, các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu. Nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá Carbon hiện nay tại EU.
Đáng nói, nếu doanh nghiệp nhập khẩu chứng minh được giá carbon đã được thanh toán khi sản xuất hàng nhập khẩu, lượng phát thải tương ứng có thể được khấu trừ. Trong khi đó, Việt Nam đang là đối tác lớn thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU. Do đó, nhiều ngành hàng của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ chịu ảnh hưởng của cơ chế.
Những tác động này đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự điều chỉnh trong chiến lược kinh doanh thì mới có thể nâng cao khả năng cạnh tranh toàn diện theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng.
Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp
Việc tham gia thị trường Carbon là trách nhiệm cũng là cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp. Thị trường tuân theo quy tắc “thuận mua – vừa bán”, Nhà nước thu được nguồn ngân sách khi áp dụng thu phí từ hoạt động trao đổi hạn ngạch, tín chỉ Carbon hay thuế Carbon trong tương lai.
Những khoản phí này sẽ được tái cấp cho các dự án, công trình nghiên cứu về giảm phát thải, hấp thụ, lưu giữ Carbon…Trong khi đó, bên bán Carbon được hưởng lợi do những đơn vị thực hiện tốt giải pháp môi trường, bên mua cũng sẽ bù đắp được lượng phát thải quá hạn ngạch cho phép. Qua đó, các nỗ lực về giải pháp giảm phát thải, hấp thụ Carbon, giải pháp xanh được áp dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Trong bối cảnh các khu vực phát triển trên thế giới như EU, Mỹ hay tới đây là Trung Quốc, Nhật Bản… áp dụng hàng rào thuế Carbon cho hàng hóa xuất nhập khẩu, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình xây dựng, phát triển thị trường Carbon. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để cơ quan quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp chuyển mình, nghiên cứu, áp dụng ngay giải pháp xanh, giảm phát thải, thực hiện biện pháp để tạo ra và tích lũy tín chỉ Carbon cho thời gian tới.
Thị trường tín chỉ Carbon và thị trường tài chính xanh có quan hệ mật thiết với thị trường chứng khoán, đặc biệt là các doanh nghiệp đã và đang niêm yết. Việc thay đổi công nghệ theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra quyền phát thải sẽ giúp doanh nghiệp thu hút nguồn tài chính dễ dàng với chi phí rẻ. Đồng thời, góp phần nâng tầm giá trị doanh nghiệp trên thị trường.
Đối với doanh nghiệp, nhận thức sớm các rủi ro về khí hậu, xác định chiến lược chuyển dịch hợp lý, từ đó tăng lợi thế cạnh trạnh và tạo cơ hội thu về nguồn doanh thu bổ sung sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển trong tương lai.
Bitexco Power tiên phong phát triển năng lượng sạch
Bitexco Power là một trong những đơn vị đi đầu trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, với sự chủ động của đơn vị, Bitexco Power đã tiến hành phát triển các dự án Carbon và phát hành tổng số 12 triệu tín chỉ; thực hiện thành công nhiều giao dịch tín chỉ Carbon và tín chỉ năng lượng tái tạo – tổng khối lượng giao dịch lên tới 2 triệu tín chỉ với các đối tác uy tín cả trong nước lẫn quốc tế.
Với sứ mệnh nhằm hiện thực hóa một xã hội không có Carbon, đóng góp vào quá trình khử Carbon toàn cầu, vì một xã hội phát triển bền vững, Bitexco Power đang triển khai nghiên cứu, xây dựng nhiều loại hình năng lượng mới như: điện gió ngoài khơi, hydrogen/ammoniac xanh, hệ thống lưu trữ điện năng, phát triển các loại hình tín chỉ bền vững…
Bên cạnh những dự án tương lai nhằm cung cấp giải pháp năng lượng xanh; Bitexco Power sở hữu diện tích đất tiềm năng tại các dự án để phát triển các loại hình tín chỉ rừng thông qua hình thức trồng trọt, cho thuê, trao đổi kết quả giảm phát thải; đây sẽ là cơ hội hợp tác rất tốt với các doanh nghiệp có nhu cầu triển khai các kế hoạch giảm phát thải bền vững. Nhờ đó, tạo nên những giá trị kinh tế đột phá nhưng vẫn thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường sống và hệ sinh thái chung của con người; hướng tới mục tiêu Net Zero và phát triển bền vững.