Bút ký sông Đà: “Cuối hồ”
“Cuối hồ” không phải là nơi kết thúc, mà lại là khởi đầu cho một dự án thủy điện mới. Hạnh phúc của những người xây dựng thủy điện là vậy.
Lời giới thiệu: Công cuộc trị thủy sông Đà mà Đảng và Nhà nước ta khởi xướng từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, bắt đầu từ thủy điện Hòa Bình, sắp hoàn thành. Ngoài việc đem lại cho đất nước một nguồn điện năng to lớn, công trường lớn của Chủ nghĩa xã hội còn rèn luyện, hun đúc một thế hệ những “thanh niên cộng sản” đủ mọi lứa tuổi, quên mình vì sự nghiệp làm ra dòng điện cho Tổ quốc. Bút ký “Cuối hồ” của Trương Cộng Hòa, kể về một trong những người như thế.
19/5/2015. Mực nước dâng ở hồ thủy điện Nậm Mức đã lên đến cao độ 30 mét. Thời điểm khởi động không tải tổ máy số 1 đã đến. Bỏ lại sau lưng không khí tấp nập của công trường, chúng tôi lên thuyền ngược dòng Nậm Mức. Ông Sìn Văn Kháng, người Thái ở bản Ta Pao, xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) chủ chiếc thuyền máy, khoe: “Chiếc thuyền này mới đóng xong hơn tháng nay đấy. Kịp khi nước đầy à”. Vợ chồng ông Lò Văn Mau, dân ở bản Hát Khoang, phía hạ lưu đập, đi nhờ, nói thêm: “Bây giờ bà con đi nương cũng đỡ vất vả. Chứ đi đường núi thì lâu lắm”.
Thuyền chạy khoảng 20 phút thì cập bờ phải để vợ chồng ông Mau lên bờ. Chồng tay dao tay cuốc, vợ gói cơm chai nước dắt díu nhau leo dốc. “Có khi họ ở trên nương cả tuần mới về” – kỹ sư Nguyễn Gia Quang, người nhiều năm gắn bó với núi rừng Tây Bắc – Việt Bắc nói với tôi – “Đây ven quốc lộ 6, còn đỡ, chứ ở vùng sâu, vùng xa, bà con mình còn vất vả lắm” – ông nói thêm sau một tiếng thở dài.
Chúng tôi đến Nậm Mức vào chiều hôm qua. Quốc lộ 6 từ Tuần Giáo lên Mường Lay đã được sửa sang gần xong, đi đứng êm thuận hơn. Nhà máy ở gần cầu Nậm Mức, thuộc địa bàn 2 xã Mường Mùn (huyệnTuần Giáo) và xã Pa Ham (huyện Mường Chà) đều thuộc tỉnh Điện Biên. Người chưa ráo mồ hôi, chúng tôi đã ra công trường. Kỹ sư Vũ Chí Mỹ, Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Nậm Mức (Tập đoàn BITEXCO) dẫn chúng tôi vào gian máy. Tổ máy số 1 đã hoàn thành, sẵn sàng chờ khởi động. Tổ máy số 2 các thiết bị chính cũng đã tổ hợp xong, đang chờ lắp đặt vào vị trí. Với tôi, cái nhà máy xinh xinh công suất 44 Mê-ga Oát này coi như đã hoàn thành, nên tâm trí đang đặt vào bậc thang trên của nó, ở xã Pú Xi (huyện Tuần Giáo) và Hừa Ngài (huyện Mường Chà).
Mỹ cười: vị trí của đập nằm ở bản Lông Tạo, không biết tiếng Thái nghĩa là gì. Anh em gọi chệch thành “Long Tạo”. Bởi thế, hôm nay tôi sốt sắng cùng kỹ sư Nguyễn Gia Quang và kỹ sư Bùi Văn Doanh, phó Trưởng phòng kỹ thuật ngược dòng Nậm Mức đi lên. Và cũng chính ở đây, tôi biết thêm một cụm từ, có thể đã nghe rồi nhưng không để ý, đó là “cuối hồ”. Kỹ sư Quang bảo: “Ta phải đi đến cuối hồ, nơi sẽ đắp đập thủy điện ở đấy”.
À, thì ra là vậy. Hồ thủy điện theo cách hiểu của người xây dựng, “đầu hồ” bắt đầu từ đập dâng nước, “cuối hồ” là nơi nước hồ dâng đến tận cùng. Hồ Hòa Bình, hồ Sơn La đều như vậy. Nhưng những hồ này khá dài, nên không mấy người dùng “đầu hồ – cuối hồ”.
Tiếng máy tàu chạy “cành cạch” gợi nhớ những lần đi thuyền trên những hồ thủy điện mới hình thành. Cũng mặt nước trong xanh, cũng mây trời in bong, những bản làng nằm ngang sườn núi, mây trắng vờn quanh. Lại nhớ khi hồ thủy điện Nho Quế 3 mới hình thành, Vũ Chí Mỹ đã chỉ cho tôi những cây cơi, nước ngập ngang thân, những thửa ruộng bậc thang lúa đang lên xanh. Tôi hỏi Bùi Văn Doanh: “Doanh vào nghề lâu chưa?” – “Em ra trường năm 2003, làm Sê-san 3A. 2006 theo anh Mỹ lên thủy điệnTuyên Quang. Năm 2009 đi với anh Mỹ làm thủy điện Nho Quế 3”, Doanh trả lời.
“Theo anh Mỹ”. Cả chục năm nay, tôi đã được nghe câu trả lời này từ nhiều chục kỹ sư trẻ trên các công trường thủy điện mà Mỹ tham gia. Vũ Chí Mỹ hẳn phải có một sức hút nào đó mới thuyết phục được các bạn trẻ theo mình?
Kỹ sư Vũ Chí Mỹ tốt nghiệp đại học Xây dựng năm 1981 và trưởng thành từ công trường Thanh niên cộng sản Hòa Bình. Trong nhiều năm liền, Mỹ chuyên lo mảng kỹ thuật. Chính từ phần việc này mà hình thành ở Mỹ một tác phong cụ thể, tỉ mỉ, khoa học. Tôi nhớ lần đầu tiên gặp Mỹ là khoảng năm 2002 trên công trường xây dựng nhà máy thủy điện Nậm Mu (công suất 12 MW) ở huyện Bắc Quang tỉnh Hà Giang. Công trình do Công ty Sông Đà 9 làm chủ đầu tư và Mỹ làm Giám đốc dự án. Trời đã tối, không đi hiện trường được, tôi tranh thủ làm việc trước. Mỹ mở máy tính, cho tôi xem phối cảnh Nhà máy, đập thủy điện, đường ống dẫn nước vào Nhà máy.
Vào thời điểm đó, không phải kỹ sư xây dựng nào cũng dựng hình trên máy tính như vậy được. Nhìn con đường thi công vòng vèo qua núi, tôi hỏi: “Núi cao như thế, sao lên được?”. Mỹ tủm tỉm cười: “Em mất cả tuần lễ vạch cây leo núi tìm đường, anh ạ”. Rồi thêm: “Nhiều chủ đầu tư đến đây, nhìn núi cao mà lắc đầu bỏ”.
Mấy năm gần đây,có chuyện nhà nhà đua nhau làm thủy điện. Kỹ thuật không có, thiết bị cũng không. Kinh nghiệm lại càng không. Bao nhiêu sự cố đáng tiếc xảy ra. Làm một nhà máy thủy điện, dù nhỏ, cũng phải tuân thủ nhiều quy trình ngặt nghèo. Mà bài toán đầu tiên phải giải là “đường vào”.
Ở Thủy điện Nậm Mu, Vũ Chí Mỹ đã giải được bài toán” đường vào”. Cũng như sau này là thủy điện Nho Quế 3, từ Khâu Vai (huyện Mèo Vạc, Hà Giang), Mỹ và các bạn của mình đã phải buộc thừng quanh người, leo từ vách đá dựng đứng xuống tìm đường vào. Rồi cũng từ vách đá dựng đứng ấy mà bạt đá làm thành đường. Có đường vào rồi, bằng con mắt sành sỏi của dân kỹ thuật, tìm ra những điều bất hợp lý của thiết kế công trình, Vũ Chí Mỹ đã mạnh dạn đề nghị thay đổi thiết kế. Để rồi thủy điện Nho Quế 3 khởi công cuối cùng so với Nho Quế 1 và 2, lại là công trình phát điện sớm nhất.
Khi thủy điện Nho Quế 3 (công suất 110 MW) sắp hoàn thành, Mỹ có lần tâm sự với tôi: “Anh Vũ Quang Hội, Chủ tịch Tập đoàn BITEXCO rất tin tưởng anh em trên công trường. Trong giai đoạn đầu, cả năm không lên công trường lần nào”.
Mỹ không nói nhiều và tôi cũng không hỏi thêm. Nhưng tôi biết Vũ Chí Mỹ đã cố gắng hết sức để không phụ lòng tin tưởng ấy. Chọn mặt gửi vàng, Vũ Chí Mỹ đã tìm đến những đơn vị thi công có thực lực, có kinh nghiệm, tìm đến những chuyên gia tư vấn giỏi để cùng mình hoàn thành xuất sắc dự án thủy điện Nho Quế 3, đưa nhà máy đi vào vận hành tháng 4/2012, sau hơn 4 năm thi công. Từ thành công của Nho Quế 3 mà Tập đoàn BITEXCO đã mua lại cổ phần của hai dự án Nho Quế 1 và 2, triển khai xây dựng 2 nhà máy thủy điện này. Vào thời điểm đó, chia vui cùng Vũ Chí Mỹ và anh em, tôi đã thốt lên: “Vũ Quang Hội phải cảm ơn vì đã có Vũ Chí Mỹ đứng mũi chịu sào trong một lĩnh vực mà Hội không thông thạo”.
Về phần mình, Mỹ vẫn lặng lẽ mũ bảo hộ đội đầu, đôi ủng dưới chân, đi khảo sát hiện trường, lựa chọn những phương án tối ưu cho hai Nhà máy. Cùng đi với Mỹ, tôi tỏ ý không vui khi thấy thiết kế kỹ thuật của 2 nhà máy có nhiều điểm không sát thực tế và muốn cảnh tỉnh trước dư luận về chất lượng khảo sát thiết kế. Không hẳn là “ngăn”, nhưng sự im lặng của Mỹ khiến tôi từ bỏ ý định này. “Bạn với nhau” là vậy. Tâm sự với nhau những khó khăn, vướng mắc trong công việc là để hiểu nhau hơn. Chứ không phải điều gì cũng đưa lên mặt báo.
Gặp nhau lần này ở Nậm Mức cũng vậy. Đây là một dự án đã bị bỏ rơi hàng năm, được BITEXCO đầu tư vào, làm sống lại. Nhà máy hoàn thành. Đây là một dự án thủy điện lớn nhất tỉnh Điện Biên. Theo đúng tâm nguyện của Vũ Chí Mỹ là phải làm một công trình “đền ơn đáp nghĩa” với mảnh đất lịch sử này. Nhưng tôi thấy Mỹ không vui. Tôn trọng nhau, tôi không hỏi, nhưng loáng thoáng biết được việc bị ép tiến độ phát điện, việc ở một vài công trình thủy điện khác mà BITEXCO làm chủ đầu tư, xuất hiện những trường hợp nôn nóng, muốn đốt cháy giai đoạn…
“Ở công trường, mình làm tướng chỉ huy. Nhưng ở Tập đoàn, mình lại đóng vai “tham mưu”. Mà dã là “tham mưu” thì phải “tham mưu” đúng”, Mỹ tâm sự với tôi như thế. Vũ Chí Mỹ là vậy. Câu chuyện hôm nay gợi nhớ cho tôi “chuyện kể sau ngày khởi công” thủy điện Sơn La (1/12/2005). Đó là vào hai ngày 29 và 30/10/2012, cơn bão số 8 đổ bộ vào đất liền. Một cơn lũ muộn đổ về từ thượng nguồn, nước sông Đà dâng lên rất nhanh. Đê quai thượng lưu vừa được hạ độ cao chuẩn bị cho ngày chặn dòng đợt 1, nay phải cấp tốc đắp một con trạch đối phó với mực nước dâng. Đất đắp đến đâu bị cuốn trôi đến đó.
Cùng với chỉ huy trưởng công trường Nguyễn Kim Tới trên đê quai phía thượng lưu, Vũ Chí Mỹ bình tĩnh hiến kế: phải đổ đá hộc xuống mới không bị nước cuốn đi… Quả nhiên biện pháp này có hiệu quả. Công trường thoát một bàn thua trông thấy. Bởi nếu đê quai vỡ, chẳng những máy móc thiết bị bị cuốn trôi cùng hàng trăm con người, mà ngày khởi công công trình cũng phải chậm lại cả năm.Tôi đã kể về sự việc này trên mặt báo, nhưng sáng kiến của Vũ Chí Mỹ, phải mấy năm sau, trong một lần “ôn cố tri tân”, Mỹ mới kể tôi nghe.
Cũng sau ngày khởi công và chặn dòng sông Đà đợt 1 thủy điện Sơn La, Vũ Chí Mỹ từ biệt Sông Đà 9, về với BITEXCO theo lời mời của Vũ Quang Hội. Thấm thoát cũng gần chục năm rồi. Tính ra, với Nậm Mức, đây là công trình thủy điện thứ tư của BITEXCO mà Mỹ tham gia làm. “Xem ra nhiệt huyết trong lòng còn mạnh lắm”, tôi trao đổi với Mỹ. Vẫn nụ cười tủm tỉm và giọng nói rủ rỉ, Vũ Chí Mỹ không trả lời thẳng vào điều tôi vừa hỏi, mà chỉ tâm sự rất thân tình rằng “Người ta phải biết vượt qua chính mình, anh ạ”.
“Vượt qua chính mình”. Vâng, đấy chính là phẩm chất mà bạn bè, đồng nghiệp và lớp kỹ sư trẻ nhìn thấy ở Vũ Chí Mỹ. Đấy cũng chính là điều khiến kỹ sư Nguyễn Gia Quang, tuổi đã 70, vẫn hăng hái vượt núi băng rừng cùng Vũ Chí Mỹ.
Chiều 19/5, từ vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy thủy điện Long Tạo (công suất 42 MW) trở về, kỹ sư Nguyễn Gia Quang và Vũ Chí Mỹ lại chụm đầu xem những bức ảnh chụp ở hiện trường để tìm ra những phương án thiết kế và thi công có lợi nhất cho dự án Long Tạo.
“Cuối hồ” không phải là nơi kết thúc, mà lại là khởi đầu cho một dự án thủy điện mới. Hạnh phúc của những người xây dựng thủy điện là vậy. Tôi không biết sau Nậm Mức, Vũ Chí Mỹ có làm tiếp Long Tạo hay không, như việc đã xảy ra ở các dự án thuỷ điện Nho Quế 1 và 2. Nhưng tôi tin chắc một điều là Vũ Chí Mỹ sẽ tiếp tục là tấm gương để lớp kỹ sư trẻ theo anh mà hành động Cũng như anh tiếp tục sống và làm việc với “hào khí sông Đà” của công trường Thanh niên cộng sản năm xưa./.