Chuyển đổi số trong công tác vận hành và bảo trì tại Bitexco Power
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của các đơn vị trong ngành điện. Với việc chuyển đổi số trong công tác vận hành và bảo trì được triển khai sâu rộng ở các nhà máy điện của Bitexco Power sẽ góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Tầm quan trọng của việc thực hiện chuyển đổi số trong vận hành, bảo trì
Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động Đầu tư Phát triển – Sản xuất Kinh doanh năm 2024 và Triển khai kế hoạch năm 2025, ông Vũ Đức Khánh – Giám đốc Ban Quản lý Vận hành và Kinh doanh Bitexco Power đã có bài tham luận về “Tổng quan Hệ thống Điện – Thị trường Điện năm 2025 và Công tác chuyển đổi số trong vận hành và bảo trì”.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của các đơn vị trong ngành điện. Chuyển đổi số mang lại nhiều giá trị trong công tác vận hành và bảo trì nhà máy thủy điện, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Vũ Đức Khánh, chuyển đổi số trong quản lý vận hành với mục tiêu theo dõi, giám sát tình trạng, hiệu suất vận hành của thiết bị; giám sát và điều khiển hệ thống theo thời gian thực; tự động lập lịch vận hành để tối ưu hóa sản lượng và doanh thu mua bán điện; số hóa quy trình vận hành, giảm tác vụ thủ công…
Ngoài ra, góp phần vào việc quản lý tập trung toàn bộ các chủng loại tài sản cùng đầy đủ các thông tin tài sản, thiết bị như: Lý lịch thiết bị, lịch sử vận hành, lịch sử bảo dưỡng, sửa chữa, sự cố, kiểm định định kỳ…; quản lý vòng đời tài sản từ khi mua về đến khi cần thanh lý qua các phiếu: bàn giao, thu hồi, điều chuyển thiết bị, kiểm kê, thanh lý; quản lý xuất, nhập kho vật tư, tự động cảnh báo số lượng; quản lý, đánh giá tình trạng của các vật tư trong kho; quản lý đề xuất mua sắm dựa trên nhu cầu bảo trì, vật tư mới…
Chia sẻ về những kết quả của công tác chuyển đổi số trong vận hành và bảo trì tại Bitexco Power, ông Vũ Đức Khánh cho biết, trong giai đoạn 1 từ 2019 – 2024 làm chủ công nghệ hệ thống giám sát, điều khiển của các nhà máy đã qua nhiều năm vận hành thông qua việc nâng cấp, cải tạo hệ thống tự động hóa; số hóa quản lý bảo trì và vật tư; số hóa tài liệu quản lý vận hành, chuẩn bị nguồn lực về con người và tài chính.

Trong năm 2022 và 2023, Bitexco Power đã hoàn thành nâng cấp, cải tạo hệ thống DCS/SCADA nhà máy thủy điện Tả Trạch và Bá Thước 2. Năm 2024, số hóa hồ sơ vận hành lên phần mềm Next Cloud, hoàn thành nâng cấp và cải tạo hệ thống DCS/SCADA cụm nhà máy thủy điện của Công ty TNHH Thủy điện Tây Nguyên và Công ty CP Thủy điện Hoàng Anh Tô Na. Năm 2024 cũng đã thực hiện nâng cấp cho nhà máy thủy điện Bình Điền và hoàn thành trong năm 2025.
Song song quá trình nâng cấp và cải tạo hệ thống DCS/SCADA chuẩn bị cho việc chuyển đổi số tại các nhà máy, Bitexco Power cũng đã thực hiện trao đổi với nhiều nhà cung cấp công nghệ như Siemens, Voith, Survalent, Wonderware, Zenon, OSIsoft… về Trung tâm Giám sát OSC. Đồng thời, tổ chức đào tạo công nghệ Andritz giai đoạn 1 với các nhà máy sử dụng loại hình công nghệ này.
Chuyển đổi số trong bảo trì và vật tư cũng đã đạt được nhiều kết quả tốt. Từ cuối năm 2019, công tác mã hóa vật tư đã được triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống khi các nhà máy đang áp dụng thực hiện quy trình tạo mã, mã hóa vật tư để sử dụng chung trên phần mềm SAP. Hơn 13.000 vật tư đã được mã hóa và đang tiếp tục tạo mới, mở rộng mã theo nhu cầu của các CTTV.
Năm 2024, dự thảo danh mục dữ liệu phục vụ lưu trữ các thông số sửa chữa cũng đã được hoàn thiện phục vụ theo dõi và chuẩn đoán tình trạng thiết bị trong quá trình sửa chữa. Từ đó sẽ phát triển các chức năng phần mềm quản lý bảo trì và vật tư phù hợp với nhu cầu của Bitexco Power.

Chuyển đổi số hướng đến xây dựng nhà máy điện thông minh
Ông Vũ Đức Khánh nhấn mạnh, chuyển đổi số trong công tác vận hành và bảo trì mục tiêu hướng đến triển khai nhà máy điện thông minh. Từ đó, một trung tâm điều khiển vận hành (OCC) tại Bitexco Power được xây dựng để giám sát và điều khiển chung cho các nhà máy. Dự kiến đến năm 2030 triển khai nhà máy điện thông minh sau khi đảm bảo đồng bộ về hệ thống hạ tầng cũng như công nghệ, đồng bộ quản lý bảo trì và vật tư, kết nối các nhà máy về trung tâm OCC.
Theo ông Vũ Đức Khánh, vào cuối năm 2023 đã xây dựng danh mục Database quản lý kỹ thuật 21 nhà máy trong hệ thống. Trong thời gian tới, Bitexco Power tiếp tục thực hiện đối với các nhà máy mới sáp nhập.

Hiện nay, danh mục dữ liệu về sửa chữa cũng đã được xây dựng như thông số lịch sử vận hành và sửa chữa của thiết bị trước, sau khi sửa chữa… Căn cứ các dữ liệu đã xây dựng trước đó, năm 2025 sẽ phát triển phần mềm quản lý bảo trì và vật tư theo các chức năng đã được nghiên cứu thông qua tự phát triển hoặc thuê ngoài. Phần mềm quản lý bảo trì và quản lý vật tư sẽ được phát triển với 10 chức năng cơ bản gồm: Quản lý thiết bị, quản lý sử dụng thiết bị, quản lý kho, quản lý sửa chữa, quản lý chi phí, quản lý bảo trì, quản lý vị trí máy móc, quản lý báo cáo, quản lý mua sắm và quản lý nhân sự. Toàn bộ công việc được thực hiện trên phần mềm thay thế cho giấy tờ nội bộ, từng bước triển khai thí điểm phần mềm, tiến tới áp dụng rộng rãi và kết nối mô hình OCC trong tương lai.
Việc số hóa quy trình sửa chữa đảm bảo tính thống nhất trong chu trình, giảm chi phí, tối ưu hóa nhân sự, giảm các tác vụ thủ công trong thông báo nội dung sửa chữa; Giảm thời gian từ lúc phát hiện đến lúc hoàn thiện xử lý… Bởi vậy, trong giai đoạn tiếp theo, quy trình sửa chữa sẽ xây dựng phần mềm cho từng cụm sửa chữa. Dự kiến chu trình sửa chữa sẽ được thực hiện thông qua web, phần mềm từ đó các cán bộ quản lý có thể truyền các thông tin đến nhân sự trực tiếp thi công; thực hiện các báo cáo tự động, giám sát và truyền về cho trung tâm…
Với số hóa quy trình bảo trì sẽ tiến hành phát triển bảo trì phòng ngừa thay cho công tác bảo trì lâu nay vẫn thường chỉ thực hiện theo kế hoạch hoặc bảo trì khắc phục khi có sự cố xảy ra. Quy trình bảo trì phòng ngừa giúp dự đoán trước tình trạng tương lai và tự động lập kế hoạch bảo trì thiết bị, từ đó giảm thiểu thời gian ngừng hoạt động và chi phí bảo trì.
Chuyển đổi số trong vận hành và bảo trì tại Bitexco Power không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn đánh dấu những bước tiến vượt bậc, hướng đến mục tiêu xây dựng nhà máy điện thông minh. Với sự chuẩn bị toàn diện về hạ tầng, công nghệ và nguồn lực, Bitexco Power đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong vận hành và bảo trì trên toàn hệ thống, tạo nền tảng vững chắc để tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.
Tin liên quan
Chương trình đào tạo nhận thức về chuyển đổi số tại Bitexco Power
Bitexco Power làm việc với Andritz Việt Nam về chuyển đổi số nhà máy điện