Kinh nghiệm phòng chống thiên tai của nhà máy thủy điện Sông Lô 4
Với những kinh nghiệm triển khai trong phòng chống thiên tai, nhà máy thủy điện Sông Lô 4 đã đảm bảo công tác vận hành an toàn, giảm đáng kể thiệt hại trong mùa mưa lũ 2024.

Chủ động ngay từ trước mùa mưa lũ
Chia sẻ tham luận về công tác phòng chống thiên tai năm 2024 tại Hội nghị Tổng kết hoạt động Đầu tư Phát triển – Sản xuất Kinh doanh năm 2024 và Triển khai kế hoạch năm 2025 vừa qua, ông Hoàng Văn Chiến – Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Lô 4 đã đưa ra nhiều kinh nghiệm cho các đơn vị tham dự.
Năm 2024 là năm có mưa lũ bất thường với nhà máy thủy điện Sông Lô 4 khi đã phải chịu 17 cơn lũ, trong đó có 2 cơn lũ lớn và một cơn lũ lịch sử – cơn bão số 3. Tuy nhiên, cùng sự chỉ đạo sát sao từ Bitexco Power và chủ động kịp thời, trách nhiệm trong công tác phòng chống thiên tai ngay từ trước mùa mưa lũ, thủy điện Sông Lô 4 đã đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại cho nhà máy suốt năm 2024.
Theo ông Chiến, với đặc thù nằm ở khu đông dân cư, giao thông thuận lợi, trong những năm qua, ngay từ trước mùa mưa lũ là công ty thực hiện rà soát các phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; tổ chức kiểm tra toàn bộ công trình, hồ chứa và thực hiện mua sắm các trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ…

Tại lòng hồ, thực hiện kiểm tra định kỳ, xác định các điểm có nguy cơ sạt lở. Khi phát hiện các điểm sạt lở phát sinh thêm, ngay lập tức cảnh báo nguy hiểm tới chính quyền địa phương và người dân sinh sống xung quanh.
Với hạng mục công trình xây dựng, thường xuyên tiến hành kiểm tra, sửa chữa, khắc phục các vị trí có nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn đập, nhà máy; phối hợp với Văn phòng Đường bộ 1.8 kiểm tra đường Quốc lộ 2 và có phương án kịp thời để đảm bảo tuyến đường thông suốt; Khơi thông cống rãnh thoát nước, cắt tỉa cây cối có nguy cơ đổ gẫy tại khu vực nhà máy.
Với các hạng mục thiết bị máy móc, công ty thực hiện bảo dưỡng sửa chữa: Thiết bị cơ khí thủy công, thiết bị cơ điện, đường dây 110 kV và trạm biến áp; bảo dưỡng máy phát điện dự phòng diezen; bảo dưỡng thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn; bảo dưỡng các thiết bị cảnh báo: còi hú, các biển báo và biển cấm khu vực nhà máy và hạ lưu… để đảm bảo các hạng mục vận hành an toàn.
“Trong các tình huống khẩn cấp, công ty cũng hiệu chỉnh lại các phương án ứng phó. Theo đó, thực hiện mua sắm bổ sung các trang bị phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chuẩn bị sẵn sàng bao cát, bao chứa nước đưa vào các vị trí quy định để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra. Thực hiện kiện toàn ban chỉ huy phòng chống thiên tai và đội xung kích của công ty, tổ chức diễn tập nội bộ. Năm 2024, chúng tôi cũng đã đưa các nội dung của quản trị vận hành hồ chứa, quy chế phối hợp xả lũ và các phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp vào nội dung đề thi nâng lương” – ông Hoàng Văn Chiến chia sẻ.

Công tác ứng phó trong mùa mưa lũ
Khi vào mùa mưa lũ, thủy điện Sông Lô 4 thường xuyên theo dõi các cảnh báo, dự báo có mưa lớn và các cơn bão từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia để nắm được diễn biến tình hình của các đợt mưa lũ. Đồng thời, đơn vị cũng phối hợp với các dự án thủy điện trên dòng sông Lô, sông Miện và dùng các phần mềm đo mưa để theo dõi lượng mưa và lưu lượng qua nhà máy để cánh báo để từ đó, cảnh báo sớm các tình huống có thể xảy ra.
Ông Hoàng Văn Chiến cho biết, trong quá trình vận hành luôn tuân thủ đúng quy trình vận hành hồ chứa, quy chế phối hợp thông tin đón xả lũ để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Trước khi tiến hành xả lũ, đơn vị có tiến hành quan trắc lưu lượng và mưa trên lưu vực qua các nhà máy thủy điện bậc trên. Trong quá trình xả lũ, Sông Lô 4 luôn chủ động quan trắc lưu lượng nước về hồ, phối hợp cung cấp thông tin chặt chẽ với các dự án thủy điện trên cùng dòng sông Lô, sông Miện, để nắm bắt được thông tin diễn biến lũ.
Để kịp thời cho chính quyền địa phương cũng như người dân nắm bắt, công ty cũng báo cáo nhanh các thông số vận hành, quan trắc của công trình qua Zalo, điện thoại… Để tuyên truyền đến người dân, đơn vị dùng xe tuyên truyền cảnh báo lũ lưu động chạy dọc vùng lòng hồ và vùng hạ du của dự án. Để đưa ra được các giải pháp ứng phó kịp thời, thủy điện Sông Lô 4 cũng luôn phối hợp với các Ban, Phòng của Bitexco Power, cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương để đảm bảo an toàn công trình và giúp đỡ được các hộ dân bị chia cắt do mưa lũ gây ra.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã góp phần nâng cao tính chủ động cho người dân và chính quyền cơ sở, do đó thiệt hại đã giảm đáng kể. “Sau mỗi mùa mưa lũ, chúng tôi cũng tiến hành kiểm tra đánh giá an toàn toàn bộ công trình đập hồ chứa và các thiết bị của nhà máy, lập báo cáo để gửi cơ quan Nhà nước. Sau đó rút kinh nghiệm để chủ động ứng phó trong các tình huống khác xảy ra” – ông Chiến chia sẻ.

Tin liên quan
Diễn tập vận hành điều tiết lũ khẩn cấp hồ Bình Điền
Diễn tập phương án ứng phó sự cố vỡ đập do động đất ở thủy điện Đak Mi 4C
Cận cảnh “kho” dự trữ lương thực, thực phẩm của cụm thủy điện Nho Quế sẵn sàng trong mùa mưa lũ