Những khó khăn trong vận hành lưới điện truyền tải nhà máy điện mặt trời
Tại Hội thảo phối hợp điều độ, quản lý vận hành lưới điện truyền tải, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Solar Power Ninh Thuận đã có bài tham luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng.
Sáng 8/3, tại TP Quy Nhơn (Bình Định), Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã tổ chức Hội thảo phối hợp điều độ, quản lý vận hành lưới điện truyền tải giữa PTC3 và các nhà máy điện năng lượng tái tạo (45 nhà máy).
Những khó khăn
Hội thảo nhằm thảo luận, trao đổi ý kiến để tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan trong công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải, bao gồm: Đơn vị quản lý vận hành truyền tải điện; Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia; các nhà máy điện năng lượng tái tạo đấu nối lưới và các sở, ngành quản lý, chính quyền địa phương trong khu vực.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, Sở Công thương Bình Định; các chủ đầu tư/công ty quản lý vận hành/nhà máy điện trên địa bàn 9 tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Phú Yên, Ninh Thuận, Đắk Nông, Bình Thuận, Gia Lai; lãnh đạo EVNNPT, Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia, PTC3.
Phát biểu khai mạc hội thảo, lãnh đạo PTC3 cho biết, PTC3 có nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện truyền tải từ 220kV đến 500kV trên địa bàn 9 tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên, nơi đang tập trung các nguồn điện lớn.
Với sự phát triển mạnh về các nguồn năng lượng tái tạo thì áp lực truyền tải hết công suất từ các nhà máy điện năng lượng tái tạo trong khu vực lên hệ thống điện đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải trong khu vực nói riêng và cả nước nói chung là khó khăn thách thức lớn của công ty. Đường dây truyền tải luôn vận hành trong tình trạng đầy tải và phải truyền tải đi xa nên tổn thất điện năng tăng cao ảnh hưởng đến chỉ tiêu sản xuất của EVNNPT và PTC3.
Trong thời gian qua, PTC3 đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý vận hành; ngăn ngừa, giảm thiểu sự cố lưới điện; tuân thủ các quy định của EVNNPT, EVN.
Tính đến hết năm 2023, tổng công suất điện năng lượng tái tạo đấu nối vào lưới điện truyền tải PTC3 là 5861MW. Tính cả phần nguồn năng lượng tái tạo phía lưới phân phối thì tổng công suất đấu nối vào lưới điện truyền tải PTC3 và lưới điện phân phối của 9 công ty điện lực khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lên tới khoảng 10.000MW và tỷ lệ cơ cấu nguồn năng lượng tái tạo tại khu vực là hơn 50%…
Theo lãnh đạo PTC3, vì cơ cấu nguồn điện năng lượng tái tạo trên lưới điện phân phối và lưới truyền tải rất lớn nên đã làm cho một số đường dây 220kV, MBA 220kV khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai luôn vận hành trong chế độ đầy tải.
Đây là khó khăn, thách thức lớn trong quá trình vận hành an toàn lưới điện truyền tải, trong phối hợp giải tỏa hết công suất các nguồn điện của các nhà máy, trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý sự cố phải cắt điện thực hiện vào ban đêm nên nguy cơ gây mất an toàn và mất ổn định của hệ thống truyền tải điện là rất cao.
Trăn trở bài toán khai thác hiệu quả
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm về công tác phối hợp điều độ, quản lý vận hành an toàn lưới điện truyền tải và nguồn điện năng lượng tái tạo giữa PTC3 với chủ đầu tư các nhà máy năng lượng tái tạo, với các Trung tâm Điều độ, đảm bảo giải tỏa hết công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo nhằm mục tiêu “đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam”.
Ông Nguyễn Công Thành – Giám đốc nhà máy điện mặt trời Nhị Hà trực thuộc Công ty TNHH MTV Solar Power Ninh Thuận, đơn vị thành viên của Bitexco Power, đã có bài tham luận quan trọng tại hội thảo với chủ đề: “Phối hợp quản lý vận hành lưới điện truyền tải giữa Truyền tải Điện 3 và các nhà máy năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”.
Nhà máy điện mặt trời Nhị Hà có công suất lắp đặt là 50MWp, công suất AC là 41,244 MW, sản lượng phát hàng năm theo thiết kế 80,2 triệu kWh.
Để đấu nối vào lưới điện truyền tải Quốc gia, nhà máy xây dựng 3,2km đường dây 220kV mạch kép từ trạm biến áp 220kV nhà máy điện mặt trời Nhị Hà đấu transit vào đường dây 220kV trạm biến áp 500kV Thuận Nam – trạm biến áp 220kV Ninh Phước 2 tai vị trí VT60.
Ngoài ra, trạm biến áp 220kV nhà máy điện mặt trời Nhị Hà cũng là điểm đấu nối của 3 nhà máy điện mặt trời khác là: Thuận Nam 12, Hacom và Đức Long với tổng công suất đặt của 4 nhà máy khoảng 160MW.
Theo ông Thành, trong công tác triển khai đầu tư, xây dựng dự án bao giờ cũng có những khó khăn nhất định, trong đó có công tác xây dựng trạm biến áp và đường dây 220kV đấu nối nhà máy điện mặt trời Nhị Hà vào lưới điện truyền tải tại điểm đấu nối thuộc lưới điện 220kV do PTC3 quản lý.
“Từ khi triển khai dự án này, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của PTC3 trong giải quyết các vấn đề kỹ thuật, thủ tục pháp lý nhanh chóng đáp ứng tiến độ thực hiện từng bước của dự án. PTC3 đã hỗ trợ nhà máy trong công tác kỹ thuật đấu nối, góp ý về mặt kỹ thuật để sao cho khi tiến hành công việc được tốt nhất, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng phục vụ đóng điện xung kích và phát điện nhà máy”, ông Thành cho biết.
Mặc dù hệ thống điện trong thời gian qua luôn bị quá tải vào giờ cao điểm và thừa nguồn vào giờ thấp điểm trưa. Nhưng Điều độ A0 cũng có những cân đối các khung giờ phát với các loại hình phát điện, đồng thời linh hoạt thay đổi kết nối ở các trạm biến áp nên cũng giảm bớt nhiều trong vấn đề cắt giảm công suất các nhà máy.
Sự phối hợp liên tục giữa A0, A2, Truyền tải với các nhà máy để xử kịp thời các vướng mắc, sự cố trong quá trình vận hành nhà máy năng lượng mặt trời. Lưới điện truyền tải tại Ninh Thuận thường xuyên bị đầy tải, tuy nhiên, do công tác vận hành bảo dưỡng tốt, công tác điều độ hợp lý nên lưới điện hầu như không xảy ra sự cố lưới làm gián đoạn việc phát điện.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành lưới điện truyền tải cũng gặp một số khó khăn như các nhà máy điện năng lượng mặt trời không được phát tối đa công suất do quá tải cục bộ một số khu vực trên hệ thống truyền tải điện, doanh nghiệp cắt giảm sản xuất. Việc sử dụng nguồn dữ liệu bên thứ 3 để dự báo công suất mang tính tương đối, đôi lúc còn sai lệch nhiều với điều kiện nguồn sơ cấp thực tế của nhà máy dẫn đến lựa chọn công suất chu kỳ 15 phút chưa đúng với thực tế.
Ông Thành đã có những đề xuất, kiến nghị với Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia hướng giải quyết để cân bằng hài hòa giữa các nguồn phát và tận dụng tối đa các nguồn trong thời gian tương lai, hướng giải quyết sắp tới trong công tác truyền tải để không bị quá tải cục bộ, vùng miền, tận dụng tối đa khả năng của các nhà máy điện vào các thời điểm, các mùa trong năm.
Ở khu vực Ninh Thuận, ông Thành đề nghị Truyền tải Ninh Thuận là đầu mối đưa ra cơ chế phối hợp trong công tác vận hành và thiết lập đầu mối liên hệ các thiết bị dự phòng của các nhà máy, nhằm đảm bảo vận hành an toàn liên tục của các nhà máy và lưới truyền tải, khi có sự cố về thiết bị sẽ giải quyết nhanh chóng kịp thời.
Tại hội thảo, lãnh đạo PTC3 đề nghị lãnh đạo các tỉnh, sở, ban, ngành, chính quyền địa phương có lưới truyền tải điện đi qua tiếp tục chỉ đạo Ban chỉ đạo an toàn lưới điện cao áp các tỉnh tuyên truyền người dân đồng hành cùng chung tay bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Đồng thời hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi giải phóng đền bù, bàn giao mặt bằng để sớm hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành các dự án tăng cường khả năng truyền tải để đảm bảo truyền tải điện an toàn liên tục, đảm bảo cung cấp điện mùa khô năm 2024.