Quy hoạch điện VIII được duyệt
Sau gần 4 năm từ lúc khởi thảo xây dựng, Quy hoạch điện VIII với mục tiêu chuyển đổi năng lượng, phát triển hệ sinh thái năng lượng tái tạo và xuất nhập khẩu điện vừa được phê duyệt.
Ngày 15/5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền Thủ tướng, ký phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Là cơ sở pháp lý để thực hiện các dự án nguồn, lưới điện được xây dựng từ năm 2019, Quy hoạch Điện VIII được Bộ Công Thương trình Chính phủ từ cuối năm 2021. Quy hoạch này được phê duyệt trong bối cảnh vài năm qua một số dự án nguồn điện lớn chậm tiến độ vận hành, còn dự án mới chưa thể triển khai do chờ bổ sung quy hoạch.
Theo Bộ Công Thương, nhiều nguồn điện xây dựng chậm tiến độ, trong đó miền Bắc chậm 3.000 MW nguồn nhiệt điện, miền Nam hơn 3.600 MW và phát triển chưa phù hợp phân bố phụ tải. Việc chậm tiến độ ở hai miền gây nguy cơ thiếu điện, khó khăn trong vận hành do thiếu công suất nguồn dự phòng, nhất là tại miền Bắc đến 2025. Còn điện mặt trời đến cuối 2020 đạt 8.700 MW, vượt hơn 9 lần công suất tại quy hoạch đưa ra trước đây và dự án chủ yếu tập trung tại miền Trung và Nam.
Theo quy hoạch lần này, Việt Nam sẽ phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới đến 2050, gồm các công trình liên kết lưới để xuất nhập khẩu điện với các nước.
Điểm mới ở quy hoạch này so với trước đây là ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, chiếm khoảng 31-39% vào 2030, tương đương 5.000-10.000 MW. Tỷ lệ này có thể tăng lên 47% cùng các điều kiện cam kết theo tuyên bố chính trị về thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Tỷ trọng nguồn điện này trong hệ thống dự kiến tăng lên 67,5-71,5% vào 2050.
Cũng theo quy hoạch này, dự kiến đến 2030, cả nước sẽ có hai trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng, gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, lắp đặt, dịch vụ, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện sẽ giảm 7-8 lần trong vòng 20 năm (2030 – 2050), còn 27-31 triệu tấn vào năm 2050. Nếu các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ cam kết JETP, Việt Nam có thể đạt mức phát thải tối đa 170 triệu tấn vào 2030.
Về vốn, Việt Nam sẽ cần gần 135 tỷ USD để phát triển nguồn và lưới điện truyền tải đến 2030. Nhu cầu vốn cho phát triển điện (nguồn, lưới) tăng lên 399 – 523 tỷ USD vào 2050, trong đó trên 90% dành cho xây mới các nguồn điện, còn lại là lưới truyền tải.
Theo quy hoạch, lượng điện thương phẩm sẽ đạt khoảng 335 tỷ kWh vào 2025, tăng lên gấp rưỡi vào 2030 (khoảng 505 tỷ kWh) và đến năm 2050 là 1.114 – 1.254 tỷ kWh.
Việt Nam sẽ sản xuất và nhập khẩu hơn 378 tỷ kWh vào 2025, tăng lên 567 tỷ kWh vào 2030 và tới 2050 là 1.224-1.378 tỷ kWh.
Bản quy hoạch này đưa ra kế hoạch công suất hệ thống điện đạt 59.318 MW vào 2025, tăng hơn 10.000 MW so với hiện nay. Mức công suất này sẽ tăng lên 90.512 MW vào 2030 và đạt hơn gấp đôi vào 2050.
Chính phủ giao Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành hoàn thiện và trình Chính phủ Luật Điện lực sửa đổi và Luật về năng lượng tái tạo để trình Quốc hội trong năm 2024.
Bộ Công Thương cũng được giao trình Chính phủ ban hành các chính sách về mua bán điện trực tiếp; làm việc với các chủ đầu tư để xử lý dứt điểm các dự án đang gặp khó khăn trong triển khai, báo cáo Thủ tướng các vấn đề vượt thẩm quyền.