Cụm thủy điện Bá Thước dọn rác, xử lý bồi lắng trong mùa lũ như thế nào?
Trong quá trình vận hành, hai nhà máy thủy điện Bá Thước 1, Bá Thước 2 luôn chủ động kết hợp với bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan và văn hóa doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu suất lao động.

Tăng cường xử lý rác, bảo vệ môi trường
Thủy điện là nguồn năng lượng sạch với giá thành rẻ. Tuy nhiên, quá trình xây dựng, vận hành nhà máy cần phải kết hợp với bảo vệ môi trường và phát triển sản xuất để đem lại nhiều giá trị. Nhà máy thủy điện Bá Thước 1 và Bá Thước 2 (thuộc Công ty CP Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa) được xây dựng trên dòng sông Mã chảy ra địa phận huyện Bá Thước, Thanh Hóa với công suất lần lượt là 60MW và 80MW. Đây là các nhà máy cột nước thấp, tua bin bóng đèn… Trong quá trình vận hành, hai nhà máy thủy điện luôn chủ động bảo vệ môi trường.
Trong nhiều năm qua, hai nhà máy đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư vùng lòng hồ nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của thủy điện, cũng như bảo vệ môi trường nguồn nước hồ chứa, chống xâm lấn lòng hồ.
Chia sẻ tham luận về vận hành hệ thống nhà máy thủy điện lòng sông, kết hợp bảo vệ môi trường và phát triển sản xuất tại “Hội nghị Tổng kết hoạt động Đầu tư Phát triển – Sản xuất Kinh doanh năm 2024 và Triển khai kế hoạch năm 2025”, ông Đỗ Duy Hùng – Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa cho biết, vào mùa lũ, sông Mã mang lượng rác rất lớn về, tạo thách thức lớn cho công tác vận hành tại các nhà máy. Rác bám vào lưới chắn rác làm tăng chênh áp, buộc phải dừng máy, gây tổn thất sản lượng.

Để xử lý, nhà máy đã tiến hành các giải phảp giảm thời gian dừng máy do rác nhờ cải tiến gầu vớt rác. Bằng cách tăng trọng lượng của gầu vớt rác, tăng tốc độ di chuyển của tời vớt rác (tăng số răng chuyền động của hộp số di chuyển tời) và cải tiến phần răng gầu vớt rác giúp vớt được nhiều rác hơn và giảm thời gian dừng máy.
Với lượng lớn rác được vớt lên vào mỗi mùa lũ, nhà máy sử dụng xe xúc lật để dọn sạch lượng rác trên mặt đập, giúp gầu vớt rác di chuyển thuận lợi, giảm sử dụng nhân công và tiết kiệm thời gian và giảm thời gian dừng máy. Đồng thời tiến hành lắp phao chắn rác từ xa. Lưới chắn rác được lắp để hạn chế rác nổi trôi vào khu vực trước cửa thu nước, hướng được rác nổi trôi về phía cửa xả vào mùa mưa lũ.
Trong vận hành và ứng phó thiên tai, việc dự báo và cảnh báo luôn được nhà máy chủ động. Các nhà máy luôn giám sát chặt chẽ dữ liệu thủy văn và dự báo khí tượng từ các cơ quan chuyên môn, số liệu thủy văn trên các sông Mã, sông Luồng, sông Lò… để cảnh báo lũ lụt, hạn hán hạ du đến người dân, các trạm bơm tưới tiêu.
Lòng hồ thủy điện Bá Thước 1 và Bá Thước 2 có hàng trăm lồng nuôi cá của các hộ dân. Bởi vậy, vào mùa khô trong quá trình vận hành nhà máy luôn cố gắng duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định, đảm bảo cấp nước hạ lưu phục vụ tưới tiêu nông nghiệp và đảm bảo duy trì môi trường không có dòng sông chết.
Xử lý bồi lắng, duy trì hiệu suất vận hành
Ông Hùng cho biết, vào mùa mưa lũ, hiện tượng bồi lắng và tích tụ rác tại cửa nhận nước là một thách thức lớn. Hệ thống bể lắng lọc cấp nước kỹ thuật cho tổ máy sử dụng khi lượng phù sa lớn, thường xuyên tắc lọc nước kỹ thuật. Vận hành chạy cơ tổ máy khi cột áp không đủ phát điện là cần thiết, vì khi chạy cơ sẽ trôi và giảm đi được rất nhiều lượng bồi lắng trước cửa nhận nước các tổ máy.
Để xử lý bồi lắng, các nhà máy đã đưa ra các giải pháp như sục bồi lắng bằng khí, giải pháp hút bùn tự chảy… Các giải pháp này tuy hiệu quả chưa triệt để nhưng cho thấy các nhà máy luôn luôn tìm giải pháp để đảm bảo tối ưu cho công tác vận hành.

Đảm bảo cột áp và duy trì dòng chảy tối thiểu. Thông qua công tác theo dõi và dự báo thông tin thủy văn, đảm bảo mực nước thượng lưu cao nhất và hạ lưu thấp nhất. Năm 2024, nhà máy Bá Thước 2 đã gia hạn giải pháp khai thác nước mặt, điều chỉnh giảm dòng chảy tối thiểu từ 120 m³/s xuống 44,8 m³/s, phù hợp với lưu lượng nước thực tế về hồ trong mùa khô. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ giữa 2 nhà máy trong công tác vận hành, đảm bảo các quy định của pháp luật, đặc biệt là luật tài nguyên nước, đảm bảo dòng chảy tối thiểu.
“Một dòng sông sạch và một dòng chảy bền vững là trách nhiệm chung của toàn ngành. Đây là sứ mệnh mà chúng ta phải thực hiện để phát triển bền vững và để lại giá trị lâu dài cho thế hệ mai sau. Với vai trò là một đơn vị thành viên của hệ thống Bitexco Power, chúng tôi sẽ không ngừng cải tiến và tối ưu hóa quy trình vận hành, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường” – ông Đỗ Duy Hùng nhấn mạnh.
Cải tạo cảnh quan, môi trường làm việc kết hợp với tăng gia sản xuất
Song hành cùng với việc đẩy mạnh bảo vệ môi trường, công ty luôn quan tâm đến việc cải tạo cảnh quan, môi trường làm việc với phương châm “công ty không chỉ là nơi làm việc, mà còn là nơi đáng sống…”.
Với quỹ đất rộng, cán bộ công nhân viên được làm việc tập trung một nơi ở các nhà máy. Đời sống anh em khá tốt, cơ sở vật chất khang trang với cảnh quan xanh – sạch – đẹp. Ban lãnh đạo công ty cũng đã quan tâm, hỗ trợ để cải thiện từ khu văn phòng làm việc đến các khu nhà ăn tập thể, khuôn viên nhà máy và nơi ở được trồng nhiều cây xanh.

Ngoài ra, ngoài những giờ làm việc, mọi người lại tranh thủ tăng gia sản xuất và bố trí hai nhân sự phụ trách mảng nông nghiệp thường trực chăm sóc để canh tác đảm bảo kĩ thuật khu vườn rau sạch rộng 9500m2.
Hiện tại vườn rau sạch đã thực hiện tự cung tự cấp 100% trong nội bộ Công ty, đảm bảo nguồn thực phẩm phong phú hàng ngày cho cán bộ, công nhân viên và sẵn sàng xuất bán ra ngoài thị trường để có nguồn vốn tái cơ cấu sản xuất.

Tin liên quan
Bitexco Power phát động Tết trồng cây, thả cá đầu Xuân Ất Tỵ 2025, hướng tới tương lai Net Zero
Công ty Cổ phần Thủy điện Đak Mi tổ chức trồng cây, thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản
Vườn rau sạch rộng hơn 9500m2 ven sông Mã tại nhà máy thủy điện Bá Thước 2